Giáng sinh năm 1914 Hưu chiến Lễ Giáng Sinh

Lính Đức và Anh gặp nhau trong cuộc hưu chiến,
được đăng trên tờ The Illustrated London News, 9 tháng 1 năm 1915

Tại Mặt trận phía Tây có khoảng 100 000 lính Anh và Đức tham dự những cuộc hưu chiến không chính thức.[15] Cuộc hưu chiến đầu tiên bắt đầu vào ngày trước Giáng sinh 1914, khi lính Đức trang hoàng chiến hào của họ trong vùng Ypres, Bỉ, nhất là ở Saint-Yvon, theo ký thuật của Đại úy Bruce Barinsfather.[16]

Những người lính Đức thắp nến trong chiến hào, treo nến trên cây Giáng sinh, rồi cử hành lễ bằng cách hát vang những ca khúc Giáng sinh. Khi thấy các cây thông của linh Đức, các kĩ sư của đơn vị kĩ sư Hoàng gia Scotland đã nhầm lẫn đó là một cuộc tấn công của kẻ thù, cho đến khi họ nghe thấy các giai điệu:"Stille Natch! Heilige Natch!"(phiên bản tiếng Đức của bài Đêm thánh vô cùng) Một người lính Anh hét to:" Họ đang hát đấy, chúng ta nên hát theo đi!". Thế là các người lính Anh đáp lễ bằng cách hát những ca khúc Giáng sinh của họ. Những tiếng kêu to chào hỏi và chúc mừng Giáng sinh vang lên từ hai bên chiến tuyến. Ngay sau đó nhiều người băng qua vùng trận địa, tặng nhau những món quà nhỏ như thức ăn, thuốc lá, rượu, và những vật kỷ niệm như nút áo và mũ. Những khẩu đại pháo cũng im tiếng. Đây cũng là cơ hội để những người lính đem thi thể của đồng đội về chôn cất. Các chiến sĩ trận vong được an táng theo nghi thức, được thương tiếc và nghiêm chào theo quân cách bởi những người lính từ hai bên chiến tuyến. Tại một tang lễ được tổ chức trong vùng hoang địa, những người lính từ hai phía cùng nhau đọc đoạn Kinh Thánh trong Thánh Vịnh 23. Ở nhiều nơi, hưu chiến kéo dài qua Lễ Giáng sinh, có chỗ đến tận Năm Mới.[14]

Ngay trong ngày Giáng sinh, Thiếu tướng Walter Congreve, tư lệnh Lữ đoàn Bộ binh 18 của Anh đang đóng quân tại Neuve Chapelle, viết một bức thư kể lại rằng người Đức đã khởi xướng kêu gọi mở một cuộc đình chiến cho ngày lễ. Một trong người lính của ông liều lĩnh đứng lên, ló đầu khỏi công sự, rồi có những người khác từ hai phía bắt đầu đi băng qua khu trận địa. Những người lính bắt tay và mời nhau thuốc lá cùng xì-gà. Congreve thú nhận rằng ông miễn cưỡng chứng kiến cuộc hưu chiến vì e rằng ông có thể trở thành mục tiêu của những tay bắn tỉa người Đức.[17]

Một người trong cuộc, Bruce Bairnsfather, viết, “Tôi không chịu đổi ngày Giáng sinh ấy cho bất cứ điều gì khác… Tôi thấy một sĩ quan Đức, có lẽ là một trung úy. Là người thích sưu tập, tôi nói với anh ấy rằng tôi thích những nút áo của anh ấy… Với một kềm cắt tôi khéo léo lặt hai nút áo bỏ vào túi, rồi tặng anh ấy hai nút áo của tôi… Người sau cùng tôi nhìn thấy là một chàng lính Đức kiên nhẫn quỳ trên sàn nhà để tay súng máy của tôi, trước khi nhập ngũ là thợ hớt tóc, dùng tông-đơ tỉa tót mái tóc dài bất thường của mình.”[18][19]

Tác giả Henry Williamson, lúc ấy là một binh nhì 19 tuổi thuộc Lữ đoàn London Rifle, viết trong thư gởi mẹ nhân lễ Boxing Day, “Con viết từ chiến hào. Bây giờ là 11 giờ sáng. Cạnh con là lò sưởi than, đối diện với con là hầm trú ẩn ẩm ướt có chứa rơm. Mặt đất trơn trợt trong giao thông hào, bên ngoài là băng giá. Con đang ngậm tẩu. Trong tẩu có thuốc. Dĩ nhiên, mẹ sẽ nói thế. Nhưng đừng vội. Trong tẩu là thuốc lá Đức. Ha ha, mẹ sẽ nói, là của một tù binh hoặc con tìm thấy trong một chiến hào chiếm được. Ồ không! Đó là quà của một người lính Đức. Vâng, một lính Đức còn sống đến từ chiến hào của anh ấy. Hôm qua lính Anh và Đức gặp và bắt tay nhau trên mặt trận, giữa những chiến hào, trao đổi vật kỷ niệm, và bắt tay nhau. Vâng, suốt ngày lễ Giáng sinh, và như con viết. Thật tuyệt vời!”[20]

Đại úy Sir Edward Hulse thuật lại rằng người thông dịch phía Đức đầu tiên ông gặp đến từ Suffolk, anh để lại ở đó cô bạn gái và chiếc mô-tô 3.5 mã lực. Hulse còn kể họ ngồi lại hát với nhau, kết thúc với bài Auld lang syne; mọi người, dân Anh, Scotland, Ái Nhĩ Lan, Phổ, người Württemberg.. v..v.. đều góp giọng. Thật sững sờ, nếu chứng kiến cảnh này trong phim ảnh, tôi thề rằng đây phải là giả tạo!”[21]

Đại úy Robert Patrick Miles thuộc Trung đoàn Bộ binh King’s Shropshire biệt phái cho Trung đoàn Royal Irish Rifles thuật lại trong một bức thư được đăng trên tờ Daily Mail và tờ Wellington Journal & Shrewsbury News trong tháng 1 năm 1915, sau khi ông thiệt mạng ngày 30 tháng 12 năm 1914, “Thứ Sáu (Lễ Giáng sinh). Chúng tôi có một lễ Giáng sinh quá sức tưởng tượng. Một cuộc hưu chiến không chuẩn bị trước cũng không được cho phép nhưng hai bên đều thấu hiểu giá trị của nó và hết lòng tuân giữ đã xảy ra giữa chúng tôi và những người bạn trên mặt trận… Mọi việc bắt đầu từ đêm qua – một đêm sương giá lạnh buốt – ngay khi trời chập tối người Đức kêu chúng tôi, “Này, người Anh, chúc mừng Giáng sinh”. Dĩ nhiên chúng tôi cũng hét lớn đáp lễ, rồi nhiều người từ hai phía rời chiến hào của mình, bỏ lại vũ khí, gặp nhau trên khu trận địa giữa hai chiến tuyến. Một thỏa thuận được thiết lập, sẽ không bắn nhau cho đến nửa đêm. Những người lính giao lưu với nhau ở khu trung lập (chúng tôi không cho họ đến quá gần phòng tuyến), trao đổi thuốc lá rất thân thiện. Đêm đó không có tiếng súng nổ.”[22]

Không chỉ người Anh. Trung úy người Pháp Johannes Niemann viết, “... vội chụp lấy ống nhòm nhìn qua bờ chiến hào thấy cảnh tượng không thể tin nổi: những người lính của chúng tôi đang trao đổi thuốc lá, rượu, và sô-cô-la với quân thù.”[23]

Vào đêm Giáng Sinh, khi nghe các binh linh bàn tán về chuyện sẽ gặp các binh lính Anh và chào đón họ như thế nào, Trung sĩ Hitler hét to:"không có thứ gì được gọi là tình bạn với kẻ thù trong chiến tranh, các anh không còn một chút lòng tự trọng Đức nào à?". Chính đêm đó Hitler từ chối cầu nguyện cùng các đồng chí của mình.

Lính Anh và Đức gặp nhau trong một cuộc hưu chiến không chính thức, ảnh chụp năm 1914

Tháng 12 năm 1915, "Khi chuông Giáng sinh reo vang trên khắp các ngôi làng trong vùng Vosges đằng sau các chiến tuyến… một điều kỳ diệu đã xảy ra. Binh lính Đức và Pháp cùng tự nguyện bắt cầu hòa bình và tạm ngưng thái độ thù địch; họ băng qua các chiến hào bỏ hoang để tìm đến chào hỏi nhau, trao đổi rượu vang, cognac và thuốc lá để lấy bánh mì đen Westphalia, bánh biscuit và thịt jambon. Điều này mang hạnh phúc đến cho những người lính từ hai phía đối địch đến nỗi họ đã cố kéo dài tình bằng hữu cho đến hết Giáng sinh." Theo lời kể của Richard Schirrman thuộc một trung đoàn Đức đồn trú trong vùng rừng núi xứ Vosges, ngăn cách với lính Pháp là một dải đất hẹp mà theo miêu tả của Schirrmann "lác đác những thân cây xơ xác, mặt đất bị cày nát bởi đạn pháo, một vùng hoang địa, trải lấp khắp nơi là các loại rễ cây và những bộ quân phục rách nát." Ngay sau đó, kỷ luật quân đội được phục hồi, song Schirrmann vẫn tiếp tục suy nghĩ về cuộc hưu chiến này và tự hỏi làm thế nào để "những người trẻ tuổi có tâm tư trên khắp thế giới có cơ hội gặp gỡ nhau hầu có thể hiểu biết nhau hơn." Từ ý tưởng này, năm 1919 Richard Schirrman bắt tay thành lập Hiệp hội Nhà trọ Thanh niên Đức.[24]

Cuộc ngừng bắn cũng lan ra đến những khu vực khác dọc theo chiến tuyến, người ta kể lại rằng binh lính từ hai lực lượng thù địch đã tổ chức những trận bóng đá giao hữu.[25] Trong cuốn phim Joyeux Noël, những lá thư mà binh sĩ Đức và Anh gởi về gia đình có thuật lại rằng tỷ số của trận đấu là 3-2 với phần thắng thuộc về đội Đức.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Hưu chiến Lễ Giáng Sinh http://www.csmonitor.com/2004/1209/p25s01-stin.htm... http://www.firstworldwar.com/features/christmastru... http://www.folkmusic.com/MP3/Christmas%20in%20the%... http://answers.google.com/answers/threadview?id=32... http://harrisondaily.com/opinion/miracles-brighten... http://www.henrywilliamson.com http://www.historicaleye.com/xmastruce.html http://www.imdb.com/title/tt0424205/ http://www.nytimes.com/2005/11/22/international/eu... http://www.nytimes.com/2005/12/25/weekinreview/25w...